Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

MỘT NỤ CƯỜI





Văn hào Pháp Antoine de Saint Exupéry là một phi công trong thời Đệ nhị thế chiến. Chính từ những năm tháng này mà ông đã viết ra truyện ngắn có tính tự thuật với tựa đề “Nụ cười” (Le sourire).Trong câu truyện, ông thuật lại việc ông bị quân Đức quốc xã bắt làm tù binh và bị đối xử một cách tàn bạo. Ông viết: “Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm quẹt. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một cai tù. Tôi gọi: “Xin lỗi, anh có lửa không?”...Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là một viên cai tù Phát xít nữa, mà chỉ còn là một con người. Anh ta hỏi tôi: “Anh có con chứ?” Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười” (x. Hanoch McCarty, Short Stories to warm the heart). 


Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi lẽ không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười” (Khuyết danh).
Dĩ nhiên, cười cũng có 36 vạn cái cười khác nhau. Có cái cười phải trả bằng cái giá của cả một đế quốc như cái cười của nàng Bao Tự thời Đông Chu liệt quốc. Có cái cười của bạo chúa Nero khi cho nổi lửa đốt thành La Mã để có cái cớ bách hại các tín hữu Kitô tiên khởi...Gần đây, có cái cười chỉ có thể làm cho thế giới văn minh muốn nôn mửa đó là cái cười của những tên khủng bố người Nam Dương khi ra trước tòa để bị xét xử vì tội đặt bom sát hại những người vô tội.


 
Nhưng loại bỏ những cái cười ngạo nghễ, độc ác và điên cuồng ấy đi, người ta thấy nụ cười nào cũng đều là gạch nối tự nhiên giữa con người với nhau. Cười là muốn đi vào cái phần sâu thẳm nhứt của tâm hồn mà không gì có thể đạt tới được. Cười có sức tước đoạt mọi vũ khí tàn độc nhứt trong con người. Bên dưới cái vỏ ngụy tạo của mỗi người là một “cung thánh” bất khả xâm phạm. Đó là nơi duy nhứt để gặp gỡ nhau, liên kết với nhau bên kia ranh giới của hận thù, đố kỵ, sợ hãi hay chiến tranh. Chính nơi đây mà văn hào Saint Exupéry và người cai tù Phát xít đã gặp nhau và gặp nhau nhờ một nụ cười. 


Tác giả Hanoch McCarty, khi bình về truyện ngắn “Nụ cười” của Saint Exupéry, đã nêu lên câu hỏi:“Tại sao chúng ta cười khi gặp một bé thơ?” Và tác giả đã trả lời: “Có lẽ vì chúng ta thấy được một tâm hồn tinh sạch không vướng mắc trong bất cứ một lớp vỏ bọc nào. Chúng ta biết và cảm thấy nụ cười của trẻ thơ là một nụ cười chân thực, không lừa dối và tâm hồn trẻ thơ trong chính chúng ta mỉm cười đáp trả một cách say sưa”.
Nụ cười chân thực luôn có tính lây lan.Thấy ai đó cười một cách chân thực, chúng ta không thể không cười đáp trả. Tôi thường nghĩ đến nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Nhìn ngài, tôi mới hiểu được hình tượng của Phật Di Lặc. Tôi cho rằng với Phật Giáo, đời không chỉ là bể khổ. Đời cũng đáng để vui hưởng, để cười và để trao cho nhau nụ cười hơn là thù hận hay buồn phiền. 



Nhìn nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tự dưng tôi cũng muốn làm một phật tử. Dĩ nhiên theo cách thế của tôi hay ít ra theo tinh thần của nhà lãnh đạo tinh thần này. Cuộc sống có quá nhiều phúc lành cần được vui vẻ đón nhận và chia sẻ với mọi người. Ngay cả bệnh tật, xét cho cùng, cũng là một phúc lành. Nhờ nó mà ta biết cảm thông với người khác hơn. Nhờ nó mà ta cũng biết cảm thông với bản thân hơn. Và dĩ nhiên, cũng nhờ nó mà ta được tôi luyện để biết mỉm cười với cuộc đời.

Chu Thập

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

THẦY GIÁO TRƯỞNG DO THÁI NHẢY MÚA



 Một câu chuyện trong sách Ha-si đim (Hasidim)

Những người Do Thái ở một tỉnh nhỏ bên nước Nga rất nóng lòng chờ đợi thầy giáo trưởng tới. Đó sẽ là một biến cố hiếm hoi nên họ đã để nhiều thời giờ chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ đặt ra cho con người thánh thiện đó.

Cuối cùng khi thầy giáo trưởng đến và họ gặp thầy ở tòa thị chính, thầy có thể cảm nhận bầu khí căng thẳng khi mọi người sẵn sàng lắng nghe những câu trả lời mà thầy để dành cho họ.

Trước hết, thầy không nói gì; thầy chỉ nhìn chằm chằm vào đôi mắt họ và ngậm miệng ngân nga một giai điệu lặp đi lặp lại. Rồi mọi người bắt đầu ngậm miệng ngân nga theo. Thầy bắt đầu hát và họ hát theo thầy. Thầy lắc lư và nhảy múa khoan thai, với những bước chân có chừng mực. Toàn thể giáo đoàn bước theo thầy như vậy.

Chẳng bao lâu, họ dồn hết tâm trí vào cuộc nhảy múa cho đến nỗi họ bị cuốn hút vào những động tác mà quên đi những gì khác ở trên mặt đất. Vì vậy mỗi người thuộc đám đông đó làm thành một tổng thể được chữa lành khỏi sự rạn nứt từ bên trong đã cầm giữ chúng ta xa rời Chân Lý.

Cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ trước khi cuộc khiêu vũ chậm lại để rồi chấm dứt. Với sự căng thẳng được gỡ khỏi nội tâm con người, ai nấy ngồi xuống trong sự an bình thinh lặng tràn lan căn phòng. Rồi vị giáo trưởng nói những lời duy nhất tối hôm đó: "Tôi tin chắc tôi đã trả lời các câu hỏi của quý vị rồi".

Người ta hỏi một vị tu sĩ Hồi giáo tại sao ông ta thờ phượng Chúa bằng cách nhảy múa. Ông trả lời: "Vì thờ phượng Chúa có nghĩa là chết cho chính mình; sự nhảy múa giết chết cái tôi. Khi cái tôi chết, mọi vấn nạn chết theo với nó. Nơi nào vắng bóng cái tôi, ở đó có Tình Thương, ở đó có Thiên Chúa".

«MỘT TRONG CÁC NGƯƠI LÀ ĐẤNG CỨU THẾ»



Tác giả ANTHONY DE MELLO
Nhà văn Hương Vĩnh chuyển ngữ

Đang ngồi thiền trong hang động trên dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn, Minh Sư mở mắt ra và trông thấy một vị khách bất ngờ đang ngồi trước mặt mình là viện phụ của một tu viện nổi tiếng. 
Minh Sư hỏi: "Ngài tìm kiếm gì?
Viện phụ thuật lại một câu chuyện bất hạnh. Có một thời, tu viện của ngài rất nổi tiếng khắp phương Tây. Các tu phòng tràn đầy những người dự tu trẻ trung và nguyện đường vang vọng tiếng cầu kinh của các tu sĩ. Nhưng thời buổi khó khăn đã xảy tới cho tu viện. Người ta không còn lũ lượt kéo tới để bồi dưỡng tâm linh, lớp người trẻ dự tu trở nên khan hiếm, nguyện đường trở thành vắng lặng. Chỉ còn sót lại một nhóm tu sĩ lo thi hành phận sự với con tim nặng trĩu. 
Và đây là điều mà vị viện phụ muốn biết: "Có phải vì tội lỗi nào đó của chúng tôi mà tu viện đã rơi vào tình trạng này?"
Minh Sư trả lời: "Đúng thế, đó là tội vô minh." 
"Và tội đó như thế nào?"
"Một trong số các ngươi là Đấng Cứu Thế trá hình mà các ngươi không nhận biết."  
Nói xong, Minh Sư nhắm nghiền mắt lại và tiếp tục thiền quán. 
Suốt hành trình nhọc nhằn trở về tu viện, con tim ngài viện phụ đập nhanh với ý nghĩ là Đấng Cứu Thế – vâng chính Đấng Cứu Thế – đã trở lại trần gian và đang sống ngay trong tu viện. Làm sao mà ngài viện phụ không thể nhận ra Ngài? Và ai có thể là Ngài đây? Thầy nhà bếp ư? Thầy lo việc bàn thờ ư? Thầy thủ quỹ ư? Thầy bề trên nhà tập ư? Không, không phải thầy đó: thầy có quá nhiều tính xấu, tiếc thay! Nhưng mà vị Minh Sư nói là Đấng Cứu Thế đã trá hình. Biết đâu những tính xấu đó là một trong những điều trá hình của Ngài? Thử nghĩ xem, mọi thầy trong tu viện đều có tính xấu. Và một người trong họ phải là Đấng Cứu Thế!  
Khi trở về tu viện, ngài viện phụ đã triệu tập các tu sĩ và thuật lại điều mà ngài đã khám phá. Họ nhìn nhau, bán tín bán nghi. Đấng Cứu Thế? Ở đây? Không thể tin được! Nhưng xem ra Ngài ở đây bằng cách trá hình. Vậy thì, có thể lắm. Biết đâu thầy này hay thầy kia thì sao? Hoặc giả tu sĩ khác nữa kìa? Hoặc là... 
Chắc chắn một điều: nếu Đấng Cứu Thế ở đó bằng cách trá hình, vị tất họ có thể nhận ra Ngài. Vì vậy, họ bắt đầu đối xử với hết mọi người với lòng kính trọng và quí mến. Họ tự nhủ mỗi khi bắt đầu tiếp xúc với nhau: "Biết đâu, Đấng Cứu Thế là người này."
Kết quả là không khí trong tu viện đã bừng lên niềm vui. Chẳng bao lâu hàng hàng lớp lớp những người dự tu đã xin nhập Dòng – và rồi nguyện đường lại bắt đầu vang vọng tiếng cầu kinh thánh thiện và sự mừng vui của các tu sĩ chiếu tỏa Đức Mến. 
 Có đôi mắt sáng được ích gì,
nếu con tim bị mù quáng?

THƯỢNG ĐẾ KHÔNG CÓ?



Thầy đã đưa tay đến với các con, các con phải đưa tay tới với Thầy. Thầy sẽ dìu dắt các con đến gần Thầy và trở về cùng Thầy. Thầy cùng các con là một, sống trong lẽ thiên nhiên, trong mùa xuân vĩnh cửu.”
Huyền Khung Cao Thượng Đế (Thánh Giáo 10-02-1975)

*****

Tại tiệm hớt tóc



Đây là chuyện tôi nghe. Một người đến tiệm hớt tóc quen để cắt tóc, cạo râu và lấy ráy tai. Trong lúc hai bàn tay thoăn thoắt làm việc, ông thợ luôn miệng trò chuyện rôm rả với thân chủ. Những mẩu chuyện đầu Ngô mình Sở dẫn dắt thế nào đó mà bỗng dưng họ lại sa đà qua đề tài… thần học: Thượng Đế có hay không có?
Thợ hớt tóc vừa đưa một đường kéo ngọt sớt tỉa chỏm tóc lòa xòa trước trán thân chủ vừa phán một câu chắc nịch: “Trên đời này làm gì có Thượng Đế!”
Vốn là một tín đồ, thế nên khách không khỏi phật ý, bèn vặn lại: “Tại sao nói thế?”
Thợ hớt tóc nói luôn một mạch: “Thì cứ ra phố mà xem. Nhiều trẻ em phải lang thang kiếm sống. Lắm người già yếu còn phải còng lưng dầm mưa dãi nắng bán rong. Bao kẻ không nhà đêm đêm vẫn mượn vỉa hè nằm co ro, lăn lóc. Chưa kể là vào các bệnh viện lúc nào cũng thấy chen chúc và dẫy đầy nghịch cảnh đau lòng… Nếu quả thật trên đời này có một Đấng Thượng Đế từ bi luôn thương xót chúng sinh, thì cớ sao những mảnh đời khổ ải đó lại không được Ngài cứu vớt?!”
Khách làm thinh, lòng bực bội.
Khi trả tiền xong, khách bước ra khỏi tiệm hớt tóc và tình cờ bắt gặp bên kia đường một người râu tóc lùm xùm, thậm thượt, rõ ra đã lâu ngày không hớt không cạo.
Khách liền quày trở vào tiệm: “Anh biết chứ? Trên đời này làm gì có thợ hớt tóc!”
Thợ hớt tóc sửng sốt: “Nói vậy mà nghe được à?! Thế tôi là ai? Ai vừa mới hớt tóc cho anh ở đây?”
Khách kéo thợ hớt tóc ra cửa, chỉ sang bên kia đường: “Đấy! Thợ hớt tóc không hề có, vì nếu có thì người kia đã không phải để râu tóc lùm xùm, thậm thượt như vậy.”
“Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn luôn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm hớt tóc thì dẫu có đông có nhiều thế nào chăng nữa, thợ hớt tóc cũng đành bó tay.”
Khách mỉm cười: “Chính xác! Thượng Đế cũng vậy mà thôi. Ngài luôn luôn đưa tay ra chờ đợi chúng ta nhưng chúng ta không chịu tìm đến mà nắm lấy tay Ngài. Chúng ta luôn tìm đủ cách phủ nhận Thượng Đế, và kiêu ngạo với tài hèn sức mỏng của mình. Đó là nguyên do sâu xa của mọi nỗi đau khổ trên thế gian.”

Phú Nhuận, 05-5-2010
Dũ Lan Lê Anh Dũng
Tâm Duyên chân thành cảm ơn tác giả bài viết