Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Người ta có thể sống khoẻ ở lứa tuổi 90 và vẫn hạnh phúc?




EMTY (ncronline.org, 11-9-2013) - Tháng 2 vừa qua ở Riverside, bang Connecticut của Hoa Kỳ, Đức ông Alan Detscher, Cha sở Nhà thờ Thánh Catherine thành Siena, giáo xứ của tôi, bước đến micro vào cuối Thánh lễ để rao vài thông báo. Thông báo cuối cùng của ngài là mời bà cụ Caroline Dulcibella, đang ngồi hàng ghế khoảng giữa nhà thờ, đứng lên để nhận tràng pháo tay của cộng đoàn: Cụ Dulcibella được 97 tuổi ngày hôm đó. Cụ tươi cười và chờ đợi. Chúng tôi vỗ tay và rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì nhìn thấy bà cụ với dáng người nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ, thực tế là chúng ta đang sống thọ hơn, một số ở lứa tuổi 100. 

Năm 1900, tuổi thọ trung bình chỉ là 46-48 năm. Từ năm 1980 đến 2010, tuổi thọ trung bình ở Hoa Kỳ tăng từ 70 tới 76 năm đối với nam và từ 77 tới 81 năm đối với nữ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Người ta có thể sống khoẻ ở lứa tuổi 90 và 100 và cũng hạnh phúc không?

Được chứ, Dan Buettner, tác giả có số sách bán chạy nhất của New York Times và là người sáng lập và giám đốc điều hành của Khu vực Xanh (Blue Zones) cho biết.

Trong suốt 10 năm, Buettner đã nghiên cứu và viết về những người đã sống cuộc sống lâu dài trong hạnh phúc đo được ở “Khu vực Xanh”.

Buettner phối hợp với Nguyệt san National Geographic để tìm kiếm và nghiên cứu những người sống thọ nhất thế giới. Với sự hỗ trợ của các nhà nhân khẩu học, ông đã tìm thấy những nhóm người trên toàn thế giới với tuổi thọ cao nhất hoặc hầu hết những người sống đến 100 tuổi. 5  địa điểm phù hợp với tiêu chí: Barbagia thuộc vùng Sardinia; Ikaria của Hy Lạp; bán đảo Nicoya của Costa Rica; tín hữu Tin Lành Seventh Day Adventist quanh vùng Loma Linda của California; và Okinawa của Nhật Bản.

Với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên gia, Buettner xác định 9 đặc điểm thường được tìm thấy ở những người có tuổi thọ cao nhất (xem phía dưới). Buettner khám phá ra rằng những người sống thọ như thế có một ý thức mạnh mẽ về mục đích, hoạt động, ăn uống lành mạnh và thực hành một truyền thống đức tin, trong số những đặc điểm quan trọng khác. Nó chỉ ra rằng cụ Dulcibella kết hợp nhiều thuộc tính vào cuộc sống hằng ngày của mình phù hợp với những khám phá của Buettner.

Sinh năm 1916 ở Danbury, bang Connecticut, Cụ Dulcibella, một y tá sức khoẻ công cộng đã về hưu, luôn cho rằng tuổi thọ của cụ là nhờ gen tốt từ bố mẹ. Trong số 7 anh chị em, chỉ có em gái Lucy, 88 tuổi, ở Georgetown, Texas, và em trai Peter 92 tuổi của cụ ở Silver Spring, Maryland, là còn sống.

Cụ theo học Trường Điều dưỡng Thánh Phanxicô ở Hartford, bang Connecticut. Ngay sau đó, cụ trở thành một y tá quân đội và đi đến châu Âu trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, cụ nhận được văn bằng y tế công cộng tại Đại học New York do chương trình GI tài trợ.

Dù chưa từng kết hôn, cụ Dulcibella đã luôn luôn kết nối với mọi người trong vai trò một y tá công cộng và y tá ở Norwalk và Greenwich, bang Connecticut. Cụ nghỉ hưu vào năm 1978.

“Toàn bộ nhân viên điều dưỡng rất mến Carrie (tên thân mật của cụ Caroline Dulcibella) và học chuyên môn của cụ trong nhiều vấn đề”, ông Barbara Ward Bilek, nguyên là y tá và giám đốc điều dưỡng y tế công cộng của Phòng Y tế Gia đình ở Greenwich của bang Connecticut, cho biết. “Là một y tá thâm niên, Carrie là công cụ định hướng cho các nhân viên mới, trong đó có tôi. Cụ là cố vấn cho nhiều y tá”, ông nói.

“Ơn gọi làm y tá vẫn mạnh mẽ trong Caroline cũng như đức tin Công giáo của cụ”, Detscher nói. “Trong thực tế, người này nuôi dưỡng người khác. Vào lứa tuổi trung tuần  90, cụ vẫn quan tâm đến các cư dân của Hill House (cộng đồng hưu trí nơi cụ sống) và thậm chí còn đưa Mình Thánh Chúa cho những ai không thể tham dự Thánh lễ. Đối với Caroline, thể chất và tinh thần được liên kết mật thiết với nhau.”

Hiện nay, Cụ Dulcibella sống trong một nhà dưỡng lão chỉ cách nhà thờ 50 mét và cụ thường dùng khung đi bộ đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Là một người chịu lễ hằng ngày, Cụ Dulcibella tham gia ca đoàn giáo xứ và là một giáo lý viên.

“Tôi không thích uống thuốc, vì vậy tôi cố gắng chữa lành cho mình. Tôi dùng 6 viên vitamin mỗi ngày và một viên vitamin tổng hợp”, cụ nói. Vận động cơ thể rất quan trọng đối với cụ. “Tôi thường chơi bowling và có mặt trong một đội bowling. Tôi cũng cố gắng làm nhân viên cấp cứu càng nhiều càng tốt khi tôi có thể”, cụ chia sẻ.

Một chìa khoá khác cho cuộc sống hạnh phúc lâu dài là tăng trưởng đời sống tâm linh của mình. 

“Thiên Chúa có tiếng nói cuối cùng”, cụ nói, “tôi tin tưởng mạnh mẽ trong lời cầu nguyện riêng, đặc biệt là Kinh Mân Côi. Tôi cố gắng lần chuỗi hằng ngày. Tôi nghĩ nó đã giúp cho tôi rất nhiều sức mạnh để đi tham dự Thánh lễ”.

“Tôi cầu nguyện cho những người trong gia đình tôi để họ được ra đi trong hạnh phúc. Tôi cầu nguyện cho hoà bình trên thế giới, trong các ngôi nhà và trong gia đình chúng tôi. Ở tuổi 97, mỗi ngày là một ân huệ”, Cụ Dulcibella nói.

“9  lời khuyên tuyệt vời” để sống lâu hơn

Với sự trợ giúp của các nhà nghiên cứu y tế, nhân chủng học, nhân khẩu học và dịch tễ học, Dan Buettner xác định 9 đặc điểm thường thấy trong số những người sống lâu nhất thế giới. Điều ông gọi là “9 lời khuyên tuyệt vời” bao gồm:

1. Vận động một cách tự nhiên: Sống lâu nhất thế giới là sống trong môi trường liên tục vận động mà không cần suy nghĩ về nó. Chẳng hạn, người ta làm vườn và không có phương tiện cơ khí cho công việc.

2. Có mục đích: Biết “lý do tại sao tôi thức dậy vào buổi sáng” và điều này giúp tăng thêm 7 năm tuổi thọ.

3. Trút bỏ: Những người sống trong "Khu vực Xanh" trải qua căng thẳng như chúng ta, nhưng có thói quen trút bỏ căng thẳng đó. Dân chúng Okinawa dùng vài phút mỗi ngày để nhớ đến tổ tiên của họ, tín hữu cầu nguyện, người Ikarians chợp mắt một chút và người Sardinia làm giờ hạnh phúc.

4. Quy tắc 80: Họ ngừng ăn khi dạ dày no đủ 80%.

5. Thiên về thực vật: Người sống lâu có chế độ ăn tập trung vào các loại đậu và ăn thịt chỉ 5 lần mỗi tháng.

6. Uống rượu vừa phải: Dân cư Khu xanh uống rượu vừa phải và thường xuyên. Người uống quân bình sống lâu hơn người không uống.

7. Thuộc về: Tất cả ngoại trừ 5 trong số 263 người sống trăm tuổi do Buettner phỏng vấn đều thuộc về một cộng đồng tôn giáo. Thuộc tôn giáo nào dường như không thành vấn đề. Nghiên cứu cho thấy việc tham dự các buổi phụng vụ đức tin 4 lần mỗi tháng sẽ tăng thêm từ 4 đến 14 năm tuổi thọ.

8. Ưu tiên những người thân: Những người sống trăm tuổi thành công tại Khu đất xanh đặt gia đình làm ưu tiên. Điều này có nghĩa là giữ cha mẹ già và ông bà cận kề hoặc trong nhà (nó làm giảm bệnh tật và tỷ lệ tử vong của trẻ em ở nhà). Họ cam kết với một người bạn đời (có thể tăng thêm 3 năm tuổi thọ) và đầu tư cho con cái bằng thời gian và tình yêu thương.

9. Môi trường tốt: Người sống lâu nhất thế giới đã chọn - hoặc được sinh ra - trong môi trường xã hội hỗ trợ những hành vi lành mạnh. Những thói quen tốt hoặc xấu thường dễ lây nhiễm. Vì vậy, các phúc lợi xã hội đã hình thành những hành vi lành mạnh khiến người dân được sống lâu. 

Những tương đồng khác về văn hoá ở Khu vực Xanh bao gồm việc giữ mình năng đông, giao tiếp xã hội thường xuyên và có một “thói quen thiêng liêng hằng ngày”, dành thời gian để cầu nguyện, thiền định hoặc ngủ trưa - Buettner nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây trong chương trình Sức khoẻ hằng ngày.
Hùng Nguyễn

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

TGP.HUẾ: 161 người Vân Kiều được Rửa Tội ... tại Khe Sanh


7/30/2013 9:07:52 PMCách trung tâm thành phố Huế về hướng Tây Bắc, khoảng 140 km đường bộ, là Giáo sở Khe Sanh, thuộc Huyện Hướng Hóa, Tỉnh Quảng Trị, giáp biên giới Lào. Ở đây, có những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều.
Hue-KheSanh-5.jpg

Thánh lễ Chúa Nhật sáng hôm nay, lúc 09 giờ 00 ngày 28-7-2013, do Đức Cha Phanxicô Xaviê, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế, chủ lễ. Cùng đồng tế với Đức Cha chủ tế, có Cha Phanxicô Xaviê Chánh xứ, Cha Micae Phó xứ và Cha Gio-gi-ô, Thư ký Tòa Tổng Giám Mục Huế. Trong Thánh Lễ này, những người Vân kiều đến từ các bản làng Đakrông, Pa Nang, Bù, Làng Vây, Sa Trầm, Ta núc, Ta roa, Tà Rùng... được lãnh nhận các Bí Tích khai tâm: Rửa Tội, Thêm Sức và Mình Thánh Chúa. Có 96 người lớn được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức do Đức Tổng Giám mục cử hành. Và cũng được biết thêm, chiều hôm qua 27.7. 2013, Cha Chánh xứ Phanxicô Xaviê đã rửa tội cho 65 trẻ nhỏ là con cái của họ.

Sau bài Tin Mừng do Cha Phó xứ Micae công bố, bằng cung cách gần gũi thân thiện, Đức Tổng đi xuống giữa lòng nhà thờ, ở giữa các anh chị em dự tòng, để giảng dạy cho họ. Bằng những lời giản dị chân thành, bằng những hình ảnh cụ thể, Đức Tổng Giám Mục đã nói cho họ về hồng ân cao cả được làm con cái Chúa qua Bí Tích Rửa Tội, và hồng ân Chúa Thánh Thần mà họ sắp lãnh nhận qua Bí Tích Thêm Sức. Ơn thánh của các bí tích này sẽ giúp họ có sức mạnh để chiến đấu với ma quỷ và can đảm sống theo lề luật của Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho họ trở nên những người sống và truyền đạo cho bà con trong bản làng.

Chỉ có hai người đỡ đầu cho 96 người. Bên nam là ông Phước, 65 tuổi, và bên nữ là bà Thi, hơn 60 tuổi, cả hai ông bà là người ở bản Sê re. Họ là những người dẫn dắt và đỡ đầu cho các người được rửa tội và thêm sức hôm nay. Dù chỉ có hai người đỡ đầu, nhưng Cha Chánh xứ đã cho họ được mang tên thánh bổn mạng khác nhau: Giuse, Phêrô, Phaolô, Phanxicô Xaviê, Maria, Anna, Madalena, Têrêxa ....

Được biết: những người Vân kiều này đã muốn theo Chúa từ nhiều năm nay rồi, từ thời Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Hòa, rồi tiếp tục với Cha Giuse Phan Miên, và hiện nay là cha Phanxicô Xavie Trần Vương Quốc Minh. Theo Cha Chánh xứ cho biết: Để tỏ thái độ tin theo Chúa, một khi trở lại, họ đã dẹp bỏ bàn thờ đạo cũ, rồi học kinh nguyện, học giáo lý, để cùng đọc kinh chung gia đình, đọc kinh chung trong bản làng, và cố gắng đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần.

Để đến nhà thờ Khe Sanh tham dự thánh lễ, họ phải đi 10 cây số, với những người gần nhất, và 50 cây số với những người xa nhất. Họ thường đi bộ. Có trường hợp, một nhóm người phải đi bộ từ chiều thứ bảy để đến nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa Nhật lúc 8 giờ sáng.

Một tuần trước khi rửa tội, họ đã được quy tụ về Nhà thờ Khe Sanh. Cha Chánh và Cha Phó, cùng với sự cộng tác tích cực của các thầy, các nữ tu, đã giúp cho họ ôn học giáo lý và tập các nghi thức chuẩn bị cho thánh lễ khai tâm hôm nay.

Thánh lễ khai tâm cho 96 anh chị em tân tòng Vân Kiều hôm nay đã diễn ra trong bầu khí đơn sơ, nhưng không thiếu phần long trọng trang nghiêm. Bầu khí chan hòa tình thương của cộng đoàn. Niềm vui thiêng liêng của Chủ Chăn với những con chiên mới nơi vùng sâu vùng xa này được thể hiện qua những cử chỉ gần gũi và thái độ yêu thương của Đức Tổng Giám Mục, của Cha Chánh xứ, Phó xứ, và của cộng đồng Dân Chúa Giáo sở Khe Sanh.

(Ban Truyền Thông TGP Huế, WTGP.Huế 30-07-2013)


Hue-KheSanh-2.jpg

Hue-KheSanh-3.jpg

Hue-KheSanh-4.jpg

Hue-KheSanh-6.jpg

Hue-KheSanh-7.jpgHue-KheSanh-1.jpg


----------------------------------------------------------------
Rất vui mừng khi được tin lượng người đông đảo gia nhập đoàn con cái Chúa: 161 người Vân Kiều được nhận lãnh Bí tích rửa tội tại nhà thờ Giáo họ Khe Sanh, Quảng Trị do chính Đức TGM FX. Lê Văn Hồng, TGM. GP. Huế cử hành vào sáng CN 28-07-2013 vừa qua. Tạ ơn Chúa!
Peter Cuong kt

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Internet vạn vật


Khái niệm Internet vạn vật ngày càng được hiện thực hoá nhờ vào sự bùng nổ của kết nối Internet qua mạng 4G, thiết bị cầm tay và đặc biệt là sự mở rộng và đồng nhất hoá của thế giới Android.

Internet of Things (IoT) được định nghĩa là một mạng lưới gồm các đối tượng có khả năng kết nối Internet và tác động qua lại giữa các dịch vụ web. Hiểu đơn giản thì đó là một mạng lưới hoặc rộng hơn là một thế giới mà mọi thứ đều liên kết với nhau.

Một thế giới, nơi mà một chiếc tủ lạnh (được kết nối Internet) có thể thông báo cho bạn biết khi sữa tươi gần hết; hay có thể tập hợp các nguyên liệu có trong tủ lạnh theo công thức nấu ăn và tự động thêm các nguyên liệu cần mua vào danh sách đi chợ của bạn... qua smartphone hoặc tablet.

IoT không chỉ là những máy "giao tiếp" với nhau mà còn nhiều thứ khác nữa, gồm khả năng thay đổi hoàn toàn thế giới, cả trong cuộc sống và cách chúng ta cảm nhận trong thực tế. Bộ quần áo măc trên người cũng có thể đo thân nhiệt hoặc những dấu hiệu khác lạ của cơ thể người mặc để đưa ra các thông tin tư vấn về bệnh tật hoặc chuyển dữ liệu đến bác sĩ.

Thực tế, những đồng hồ thông minh đã có thể thực hiện chức năng này khi có thể đồng bộ hoá với nhiều thiết bị kết nối Internet và có các bộ cảm biến tích hợp.

Xa xôi hơn, viễn cảnh "Internet của vạn vật" trong đó con người có thể điều khiển ô tô từ xa mà không cần trực tiếp lái xe. Bên cạnh đó, con người còn có thể làm việc, chăm sóc sức khoẻ, sử dụng dịch vụ ngân hàng, mua sắm theo cách riêng của mình.

Chẳng hạn, theo Cisco, hiện nay thế giới mới chỉ có khoảng 13 tỷ đồ vật được kết nối và dự kiến tới năm 2020 sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối tới mạng Internet. Tuy nhiên, IoT đang trong giai đoạn phát triển mạnh nhờ sự bùng nổ của 4G, chi phí, tính sẵn có của công nghệ.

Trong đó, một nhân tố quan trọng là hệ điều hành Android đang trở thành hệ điều hành tiêu chuẩn cho "Internet of Things". Android đã chinh phục thị trường thiết bị theo chiều từ dưới lên.

Hệ điều hành này đang chạy trên 75% của các loại điện thoại thông minh với 162 triệu đơn vị được bán ra trong quý đầu tiên của năm nay, theo Công ty Nghiên cứu IDC.

Thế giới đang mở rộng các thiết bị thông minh khác nhau, từ cảm biến trong những đôi giày đến màn hình động cơ phản lực. Với phần mềm mã nguồn mở, các kỹ sư của NASA đã điều chỉnh hệ điều hành này để giảm tải điện năng, cho phép các vệ tinh nhỏ của họ chạy nhiều ngày với số lượng pin ít hơn.

Tất cả mọi thứ, từ màn hình biến thể đến chip điện thoại di động và các thiết bị cảm biến mà con người từng biết đến đều đã được điều chỉnh để làm việc với Android. Và với tầm ảnh hưởng của Internet, bất cứ ai muốn tạo ra một sản phẩm phù hợp với yêu cầu đều có thể sử dụng Android và biến đổi chúng thành cái gì bạn muốn.

Tại Nhật, Hãng Điện tử NEC Corp. đã phát các quảng cáo tương tác xác định độ tuổi và giới tính của người qua đường để thợ may có thể thiết kế những mẫu trang phục phù hợp.

Hãng IBM đã phát triển bảng quảng cáo (billboard) có thể tuỳ chỉnh quảng cáo cho những người mang các thẻ nhận dạng (thường là thẻ RFID).

Báo cáo này cũng dự đoán rằng, nhờ sự phát triển trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt, hình thức quảng cáo này không chỉ phân tích bạn là ai, mà còn nhận biết tâm trạng hiện tại của bạn để đưa ra các quảng cáo thích hợp...
Hoàng Hà
Nguồn: DNSG

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Chiều về trên đầm Lập An



08:37 | 07/05/2013
Đi trên quốc lộ 1A , khi qua thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, bạn sẽ nhìn thấy đầm Lập An. Cảnh đẹp thanh bình nơi đây mỗi khi chiều về sẽ khiến lòng bạn xao xuyến.
Chiều về trên đầm Lập An

Vẻ đẹp lúc mặt trời khuất núi !
Vẻ đẹp lúc mặt trời khuất núi.
Người ngư dân này đang giặt lừ một dụng cụ đánh bắt hải sản thô sơ
Người ngư dân này đang giặt dụng cụ đánh bắt hải sản thô sơ.
Những con thuyền của làng chài nhỏ bình yên khi mặt trời sắp xuống núi
Những con thuyền của làng chài nhỏ bình yên khi mặt trời sắp xuống núi.
Vẻ đẹp như tranh lúc hoàng hôn trên đầm Lập An
Vẻ đẹp như tranh lúc hoàng hôn trên đầm Lập An.
Sau chuyến ra khơi đánh cá , ngư dân về nhà lúc mặt trời sắp lặn!
Sau chuyến ra khơi đánh cá, ngư dân về nhà lúc mặt trời sắp lặn.

Từ ngày 29/1 đến ngày 10/5, mời độc giả tham gia cuộc thi ảnh "Làng quê Việt Nam" do VnExpress và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) phối hợp tổ chức.
Tác phẩm dự thi thể hiện dưới dạng file ảnh định dạng JPEG hoặc JPG, không lồng ghép thành dạng album, không để viền bo, bắn chữ hoặc logo của studio. Ảnh có chiều ngang dưới 1.000 pixel. Dung lượng mỗi bức lớn hơn 0,3 MB nhưng không vượt quá 5 MB. Người dự thi gửi tối thiểu 3 ảnh kèm theo lời bình rõ ràng, dễ hiểu bằng tiếng Việt có dấu, font Unicode.
Người dự thi gửi kèm thông tin cá nhân, bao gồm tên, năm sinh, chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ (Những thông tin này được bảo mật).
Người gửi bài sẽ chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin, tác phẩm dự thi phải đảm bảo chưa từng được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Ban tổ chức được quyền sử dụng các bài dự thi sau khi chương trình kết thúc mà không cần thông qua ý kiến của các tác giả.

Mỗi tuần, Ban tổ chức sẽ chọn ra 4 bộ ảnh đẹp nhất để dự thi tháng do độc giả chọn (dựa trên số điểm chấm trực tiếp). Từ đó, hàng tháng, ban tổ chức sẽ chọn ra 3 giải thưởng xuất sắc để trao thưởng, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng (phần chấm điểm của độc giả là một trong những yếu tố giúp Ban giám khảo chọn ra danh sách người đạt giải). Cuối chương trình, ban tổ chức và nhà tài trợ sẽ chọn ra 3 bộ ảnh xuất sắc để trao thưởng, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Bài dự thi gửi về ban biên tập VnExpress tại đây.


Nguyễn Xuân Hữu Tâm
   Theo vnexpress.net

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Thiên tài Thomas Edison


Thomas Edison

Một ngày kia, một cậu bé bị điếc 50% cầm về cho cha mẹ lá thư báo tin của nhà trường là cậu bị đuổi học vì trí khôn quá kém.

Đọc qua lá thư, mẹ cậu không những không nổi giận mà còn bênh vực cậu và bà trả lời cho nhà trường như sau: “Con tôi không quá ngu muội đến độ không còn học được gì nữa, từ nay tôi sẽ đích thân dạy cho con tôi”. Và cậu bé có tật lãng tai bị nhà trường đuổi không cho học nữa đó là thiên tài Thomas Edison, người đã phát minh ra nhiều kỹ thuật khoa học còn được sử dụng cho tới ngày nay, chẳng hạn như phát minh ra bóng đèn điện, máy chiếu phim, dĩa ghi âm. Sau khi ông qua đời, người ta đếm được ông đã có hàng trăm bằng cấp thị thực phát minh về công lao của mình.

“Con tôi không quá ngu muội đến độ không còn học được nữa. Tôi sẽ đích thân dạy học cho con tôi”. Tình thương và thái độ của người mẹ đối với con mình là Thomas Edison có thể nhắc chúng ta về tình thương và thái độ của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta mặc dầu chúng ta là những tội nhân. Thiên Chúa không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta dù chúng ta sống xa Ngài. Ngài đã so sánh tình yêu của Ngài như tình yêu của một người mẹ hiền và còn hơn tình yêu của người mẹ hiền nữa: “Giả như người mẹ có thể quên con cái mình, thì Ta, Ta sẽ không bao giờ quên con”. Và Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng đã dùng hình ảnh vị chủ chăn đi tìm chiên lạc để mạc khải cho chúng ta tình thương của Thiên Chúa đối với con người.  Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất.
***

Quý vị và các bạn thân mến,

Những lời dạy của Chúa Giêsu gia tăng niềm hy vọng nơi mỗi người trong chúng ta. Ngài tận dụng những gì Ngài có thể làm để biến đổi chúng ta, để giúp chúng ta phát triển những tài năng mà Ngài ban cho chúng ta. Nếu không có tình thương của người mẹ thì Thomas Edison bị nhà trường đuổi kia sẽ không phát triển được hết tài năng của mình. Cũng vậy, nếu Thiên Chúa không yêu thương và kiên nhẫn nâng đỡ thì có lẽ chúng ta không làm được gì. Nhưng chúng ta cũng đừng ỷ lại, đừng lạm dụng tình thương của Chúa, đừng dừng lại trong những tật xấu ươn hèn của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cũng được mời gọi noi gương Chúa đối xử với chúng ta như thế nào để đối xử với anh chị em xung quanh như vậy. Thiên Chúa kiên nhẫn yêu thương chúng ta thì chúng ta cũng hãy kiên nhẫn yêu thương anh chị em xung quanh như vậy. Thiên Chúa không thất vọng về chúng ta thì chúng ta cũng đừng thất vọng về người anh chị em.

Tình yêu thương là phương thế duy nhất Thiên Chúa dùng để phát triển tài năng nơi chúng ta thì tình yêu của chúng ta với nhau cũng giúp nhau thăng tiến cuộc sống mỗi người anh em chúng ta. Hãy để cho Thiên Chúa yêu thương mình và xin Thiên Chúa giúp mình yêu thương anh chị em xung quanh như Ngài đã nêu gương để đừng ai bị loại bỏ ra ngoài khi Ngài ngự đến.
***

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì phẩm giá, vì tài năng Chúa ban cho mỗi người chúng con.

Xin giúp chúng con sống trong tình yêu Chúa và hăng say đóng góp phần của mình vào việc thăng tiến anh chị em xung quanh, thăng tiến xã hội, môi trường chúng con đang sống hằng ngày.

Xin cho chúng con được luôn tin tưởng vào tài năng Chúa ban cho chúng con để làm sinh sôi nén vàng Ngài đã giao cho. Amen!


Nguồn: R. Veritas
http://www.emty.org/ViewNewsDetail.aspx?tabid=73&mid=455&NewsPK=14052

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

MỘT NỤ CƯỜI





Văn hào Pháp Antoine de Saint Exupéry là một phi công trong thời Đệ nhị thế chiến. Chính từ những năm tháng này mà ông đã viết ra truyện ngắn có tính tự thuật với tựa đề “Nụ cười” (Le sourire).Trong câu truyện, ông thuật lại việc ông bị quân Đức quốc xã bắt làm tù binh và bị đối xử một cách tàn bạo. Ông viết: “Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm quẹt. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một cai tù. Tôi gọi: “Xin lỗi, anh có lửa không?”...Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là một viên cai tù Phát xít nữa, mà chỉ còn là một con người. Anh ta hỏi tôi: “Anh có con chứ?” Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười” (x. Hanoch McCarty, Short Stories to warm the heart). 


Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi lẽ không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười” (Khuyết danh).
Dĩ nhiên, cười cũng có 36 vạn cái cười khác nhau. Có cái cười phải trả bằng cái giá của cả một đế quốc như cái cười của nàng Bao Tự thời Đông Chu liệt quốc. Có cái cười của bạo chúa Nero khi cho nổi lửa đốt thành La Mã để có cái cớ bách hại các tín hữu Kitô tiên khởi...Gần đây, có cái cười chỉ có thể làm cho thế giới văn minh muốn nôn mửa đó là cái cười của những tên khủng bố người Nam Dương khi ra trước tòa để bị xét xử vì tội đặt bom sát hại những người vô tội.


 
Nhưng loại bỏ những cái cười ngạo nghễ, độc ác và điên cuồng ấy đi, người ta thấy nụ cười nào cũng đều là gạch nối tự nhiên giữa con người với nhau. Cười là muốn đi vào cái phần sâu thẳm nhứt của tâm hồn mà không gì có thể đạt tới được. Cười có sức tước đoạt mọi vũ khí tàn độc nhứt trong con người. Bên dưới cái vỏ ngụy tạo của mỗi người là một “cung thánh” bất khả xâm phạm. Đó là nơi duy nhứt để gặp gỡ nhau, liên kết với nhau bên kia ranh giới của hận thù, đố kỵ, sợ hãi hay chiến tranh. Chính nơi đây mà văn hào Saint Exupéry và người cai tù Phát xít đã gặp nhau và gặp nhau nhờ một nụ cười. 


Tác giả Hanoch McCarty, khi bình về truyện ngắn “Nụ cười” của Saint Exupéry, đã nêu lên câu hỏi:“Tại sao chúng ta cười khi gặp một bé thơ?” Và tác giả đã trả lời: “Có lẽ vì chúng ta thấy được một tâm hồn tinh sạch không vướng mắc trong bất cứ một lớp vỏ bọc nào. Chúng ta biết và cảm thấy nụ cười của trẻ thơ là một nụ cười chân thực, không lừa dối và tâm hồn trẻ thơ trong chính chúng ta mỉm cười đáp trả một cách say sưa”.
Nụ cười chân thực luôn có tính lây lan.Thấy ai đó cười một cách chân thực, chúng ta không thể không cười đáp trả. Tôi thường nghĩ đến nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Nhìn ngài, tôi mới hiểu được hình tượng của Phật Di Lặc. Tôi cho rằng với Phật Giáo, đời không chỉ là bể khổ. Đời cũng đáng để vui hưởng, để cười và để trao cho nhau nụ cười hơn là thù hận hay buồn phiền. 



Nhìn nụ cười của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tự dưng tôi cũng muốn làm một phật tử. Dĩ nhiên theo cách thế của tôi hay ít ra theo tinh thần của nhà lãnh đạo tinh thần này. Cuộc sống có quá nhiều phúc lành cần được vui vẻ đón nhận và chia sẻ với mọi người. Ngay cả bệnh tật, xét cho cùng, cũng là một phúc lành. Nhờ nó mà ta biết cảm thông với người khác hơn. Nhờ nó mà ta cũng biết cảm thông với bản thân hơn. Và dĩ nhiên, cũng nhờ nó mà ta được tôi luyện để biết mỉm cười với cuộc đời.

Chu Thập

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

THẦY GIÁO TRƯỞNG DO THÁI NHẢY MÚA



 Một câu chuyện trong sách Ha-si đim (Hasidim)

Những người Do Thái ở một tỉnh nhỏ bên nước Nga rất nóng lòng chờ đợi thầy giáo trưởng tới. Đó sẽ là một biến cố hiếm hoi nên họ đã để nhiều thời giờ chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ đặt ra cho con người thánh thiện đó.

Cuối cùng khi thầy giáo trưởng đến và họ gặp thầy ở tòa thị chính, thầy có thể cảm nhận bầu khí căng thẳng khi mọi người sẵn sàng lắng nghe những câu trả lời mà thầy để dành cho họ.

Trước hết, thầy không nói gì; thầy chỉ nhìn chằm chằm vào đôi mắt họ và ngậm miệng ngân nga một giai điệu lặp đi lặp lại. Rồi mọi người bắt đầu ngậm miệng ngân nga theo. Thầy bắt đầu hát và họ hát theo thầy. Thầy lắc lư và nhảy múa khoan thai, với những bước chân có chừng mực. Toàn thể giáo đoàn bước theo thầy như vậy.

Chẳng bao lâu, họ dồn hết tâm trí vào cuộc nhảy múa cho đến nỗi họ bị cuốn hút vào những động tác mà quên đi những gì khác ở trên mặt đất. Vì vậy mỗi người thuộc đám đông đó làm thành một tổng thể được chữa lành khỏi sự rạn nứt từ bên trong đã cầm giữ chúng ta xa rời Chân Lý.

Cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ trước khi cuộc khiêu vũ chậm lại để rồi chấm dứt. Với sự căng thẳng được gỡ khỏi nội tâm con người, ai nấy ngồi xuống trong sự an bình thinh lặng tràn lan căn phòng. Rồi vị giáo trưởng nói những lời duy nhất tối hôm đó: "Tôi tin chắc tôi đã trả lời các câu hỏi của quý vị rồi".

Người ta hỏi một vị tu sĩ Hồi giáo tại sao ông ta thờ phượng Chúa bằng cách nhảy múa. Ông trả lời: "Vì thờ phượng Chúa có nghĩa là chết cho chính mình; sự nhảy múa giết chết cái tôi. Khi cái tôi chết, mọi vấn nạn chết theo với nó. Nơi nào vắng bóng cái tôi, ở đó có Tình Thương, ở đó có Thiên Chúa".

«MỘT TRONG CÁC NGƯƠI LÀ ĐẤNG CỨU THẾ»



Tác giả ANTHONY DE MELLO
Nhà văn Hương Vĩnh chuyển ngữ

Đang ngồi thiền trong hang động trên dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn, Minh Sư mở mắt ra và trông thấy một vị khách bất ngờ đang ngồi trước mặt mình là viện phụ của một tu viện nổi tiếng. 
Minh Sư hỏi: "Ngài tìm kiếm gì?
Viện phụ thuật lại một câu chuyện bất hạnh. Có một thời, tu viện của ngài rất nổi tiếng khắp phương Tây. Các tu phòng tràn đầy những người dự tu trẻ trung và nguyện đường vang vọng tiếng cầu kinh của các tu sĩ. Nhưng thời buổi khó khăn đã xảy tới cho tu viện. Người ta không còn lũ lượt kéo tới để bồi dưỡng tâm linh, lớp người trẻ dự tu trở nên khan hiếm, nguyện đường trở thành vắng lặng. Chỉ còn sót lại một nhóm tu sĩ lo thi hành phận sự với con tim nặng trĩu. 
Và đây là điều mà vị viện phụ muốn biết: "Có phải vì tội lỗi nào đó của chúng tôi mà tu viện đã rơi vào tình trạng này?"
Minh Sư trả lời: "Đúng thế, đó là tội vô minh." 
"Và tội đó như thế nào?"
"Một trong số các ngươi là Đấng Cứu Thế trá hình mà các ngươi không nhận biết."  
Nói xong, Minh Sư nhắm nghiền mắt lại và tiếp tục thiền quán. 
Suốt hành trình nhọc nhằn trở về tu viện, con tim ngài viện phụ đập nhanh với ý nghĩ là Đấng Cứu Thế – vâng chính Đấng Cứu Thế – đã trở lại trần gian và đang sống ngay trong tu viện. Làm sao mà ngài viện phụ không thể nhận ra Ngài? Và ai có thể là Ngài đây? Thầy nhà bếp ư? Thầy lo việc bàn thờ ư? Thầy thủ quỹ ư? Thầy bề trên nhà tập ư? Không, không phải thầy đó: thầy có quá nhiều tính xấu, tiếc thay! Nhưng mà vị Minh Sư nói là Đấng Cứu Thế đã trá hình. Biết đâu những tính xấu đó là một trong những điều trá hình của Ngài? Thử nghĩ xem, mọi thầy trong tu viện đều có tính xấu. Và một người trong họ phải là Đấng Cứu Thế!  
Khi trở về tu viện, ngài viện phụ đã triệu tập các tu sĩ và thuật lại điều mà ngài đã khám phá. Họ nhìn nhau, bán tín bán nghi. Đấng Cứu Thế? Ở đây? Không thể tin được! Nhưng xem ra Ngài ở đây bằng cách trá hình. Vậy thì, có thể lắm. Biết đâu thầy này hay thầy kia thì sao? Hoặc giả tu sĩ khác nữa kìa? Hoặc là... 
Chắc chắn một điều: nếu Đấng Cứu Thế ở đó bằng cách trá hình, vị tất họ có thể nhận ra Ngài. Vì vậy, họ bắt đầu đối xử với hết mọi người với lòng kính trọng và quí mến. Họ tự nhủ mỗi khi bắt đầu tiếp xúc với nhau: "Biết đâu, Đấng Cứu Thế là người này."
Kết quả là không khí trong tu viện đã bừng lên niềm vui. Chẳng bao lâu hàng hàng lớp lớp những người dự tu đã xin nhập Dòng – và rồi nguyện đường lại bắt đầu vang vọng tiếng cầu kinh thánh thiện và sự mừng vui của các tu sĩ chiếu tỏa Đức Mến. 
 Có đôi mắt sáng được ích gì,
nếu con tim bị mù quáng?

THƯỢNG ĐẾ KHÔNG CÓ?



Thầy đã đưa tay đến với các con, các con phải đưa tay tới với Thầy. Thầy sẽ dìu dắt các con đến gần Thầy và trở về cùng Thầy. Thầy cùng các con là một, sống trong lẽ thiên nhiên, trong mùa xuân vĩnh cửu.”
Huyền Khung Cao Thượng Đế (Thánh Giáo 10-02-1975)

*****

Tại tiệm hớt tóc



Đây là chuyện tôi nghe. Một người đến tiệm hớt tóc quen để cắt tóc, cạo râu và lấy ráy tai. Trong lúc hai bàn tay thoăn thoắt làm việc, ông thợ luôn miệng trò chuyện rôm rả với thân chủ. Những mẩu chuyện đầu Ngô mình Sở dẫn dắt thế nào đó mà bỗng dưng họ lại sa đà qua đề tài… thần học: Thượng Đế có hay không có?
Thợ hớt tóc vừa đưa một đường kéo ngọt sớt tỉa chỏm tóc lòa xòa trước trán thân chủ vừa phán một câu chắc nịch: “Trên đời này làm gì có Thượng Đế!”
Vốn là một tín đồ, thế nên khách không khỏi phật ý, bèn vặn lại: “Tại sao nói thế?”
Thợ hớt tóc nói luôn một mạch: “Thì cứ ra phố mà xem. Nhiều trẻ em phải lang thang kiếm sống. Lắm người già yếu còn phải còng lưng dầm mưa dãi nắng bán rong. Bao kẻ không nhà đêm đêm vẫn mượn vỉa hè nằm co ro, lăn lóc. Chưa kể là vào các bệnh viện lúc nào cũng thấy chen chúc và dẫy đầy nghịch cảnh đau lòng… Nếu quả thật trên đời này có một Đấng Thượng Đế từ bi luôn thương xót chúng sinh, thì cớ sao những mảnh đời khổ ải đó lại không được Ngài cứu vớt?!”
Khách làm thinh, lòng bực bội.
Khi trả tiền xong, khách bước ra khỏi tiệm hớt tóc và tình cờ bắt gặp bên kia đường một người râu tóc lùm xùm, thậm thượt, rõ ra đã lâu ngày không hớt không cạo.
Khách liền quày trở vào tiệm: “Anh biết chứ? Trên đời này làm gì có thợ hớt tóc!”
Thợ hớt tóc sửng sốt: “Nói vậy mà nghe được à?! Thế tôi là ai? Ai vừa mới hớt tóc cho anh ở đây?”
Khách kéo thợ hớt tóc ra cửa, chỉ sang bên kia đường: “Đấy! Thợ hớt tóc không hề có, vì nếu có thì người kia đã không phải để râu tóc lùm xùm, thậm thượt như vậy.”
“Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn luôn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm hớt tóc thì dẫu có đông có nhiều thế nào chăng nữa, thợ hớt tóc cũng đành bó tay.”
Khách mỉm cười: “Chính xác! Thượng Đế cũng vậy mà thôi. Ngài luôn luôn đưa tay ra chờ đợi chúng ta nhưng chúng ta không chịu tìm đến mà nắm lấy tay Ngài. Chúng ta luôn tìm đủ cách phủ nhận Thượng Đế, và kiêu ngạo với tài hèn sức mỏng của mình. Đó là nguyên do sâu xa của mọi nỗi đau khổ trên thế gian.”

Phú Nhuận, 05-5-2010
Dũ Lan Lê Anh Dũng
Tâm Duyên chân thành cảm ơn tác giả bài viết